BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10/2024 CHỦ ĐỀ: NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

Kính thưa các thầy cô giáo!

Thưa toàn thể các bạn học sinh!

    Hòa chung trong không khí vui tươi kỉ niệm 94 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024), hôm nay, thay mặt cho tổ công tác thư viện, em xin giới thiệu tới thầy cô và các bạn cuốn sách “Người mẹ cầm súng” của tác giả Nguyễn Thi với chủ đề về người mẹ anh hùng, người đại diện cho phụ nữ Việt Nam đảm đang, kiên cường, bất khuất.

  

     “Người mẹ cầm súng” là tên một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi do nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2013. Với 91 trang sách, nhà văn đã giúp chúng ta thấy được một hình tượng đẹp về người mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất, trung hậu, đảm đang trong cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước: chị Nguyễn Thị Út hay còn gọi là Út Tịch.

    Cuốn sách đã tái hiện về một cuộc đời và gương chiến đấu của chị Nguyễn Thị Út - anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ. Từ một cô bé con nhà nghèo phải đi ở đợ, Chị đã được cách mạng giác ngộ và trưởng thành, trở thành một chiến sĩ du kích dạn dày kinh nghiệm cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công. Nhưng có ai ngờ rằng thành tích đó là của chính người mẹ có đến chín lần sinh nở. Điều đặc biệt là cứ mỗi lần sinh được ít ngày, chị Út Tịch lại cầm súng ra trận chiến đấu hết mình và mang về những chiến công lừng lẫy. Nhưng sinh người con thứ 9 vừa được 14 ngày, chị hy sinh...

    Chị Út Tịch một nhân vật điển hình, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 14 tuổi thôi nhưng Chị đã biết rút ra một điều có ý nghĩa làm phương châm sống cho mình “đánh nó để nó không đánh được mình”.

    Trong đời làm mẹ và đánh giặc của Chị các mối quan hệ được nhà văn miêu tả hết sức sinh động với nhiều tình huống khác nhau, mâu thuẫn khác nhau. Mối quan hệ giữa Chị và các con; với người chồng; với đồng bào xã Tam Ngãi; với quân thù...

    Các bạn có biết, những ngày tháng cơ cực đi ở đợ cho địa chủ Hàm Giỏi, nhà con gái Hội đồng Thanh, Chị đã từng phản kháng lại khi bị đánh đập dã man. Nhiều người hỏi "Uống thuốc gì mà gan dữ vậy?" Chị trả lời là có uống thuốc gì đâu, bị đòn nhiều quá mà cứ phải ngậm ở trong lòng mới nảy ra cái gan dữ vậy. Với bọn địa chủ như thế, sau này đánh Pháp, đánh Mỹ cũng vậy.

     Đọc cuốn truyện ký các bạn còn thấy được cả một gia đình nhà chị Út sôi nổi và hào hứng với cách mạng chứ không riêng gì Chị. Các bạn thân mến! Chính vì sự hy sinh cao cả, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước của chị cũng như cả gia đình chị mà cả gia đình chị Út Tịch luôn được đồng bào Tam Ngãi rất đỗi yêu thương. Đặc biệt con người chị sống và chiến đấu là một tấm gương lớn không những cho đồng bào lúc bấy giờ học tập mà thế hệ con cháu noi theo trong những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước mai này.

     Sau đây em xin phép đọc một trích đoạn trong cuốn sách, viết về những đứa trẻ hồn nhiên, biết bảo ban nhau khi mẹ vắng nhà.

    “Tam Ngãi vào đợt thật rộn rã. Xuồng, ghe, người, súng qua lại sáng đêm, hàng ngày. Út chỉ gặp con từ lúc nửa đêm tới sáng.

    Ban ngày, đôi khi chị cũng ghé về. Nhìn thấy mẹ bước vô cửa, đàn con reo lên. Nhưng mẹ chúng chỉ về lấy thêm đạn, xắn tay chùi mũi cho đứa nhỏ một cái, rồi đi ngay. Cả năm đứa không đứa nào đòi theo. Súng vẫn nổ dồn dập. Súng của ta ở cái thế đi tìm giặc mà đánh. ở nhà, mỗi lần nghe súng, mấy đứa trẻ lại bi bô: má đánh chỗ này, ba đánh chỗ kia. Ngay trước nhà là hướng ấp chiến lược 3. Dịch sang một chút là ấp 2, ấp 1. Ngang hông là Cầu Kè. Sau hè là bót Bà Mi. Mấy đứa nghe hướng súng nhận ra nơi cha mẹ. Thị trấn nổ là ba đánh. Bà Mi nổ là má và các cô. Hàng ngày, con Bé vừa đi làm vừa điều khiển đàn em núp máy bay. Máy bay bay như bọ hung trên nóc nhà. Trực thăng Mỹ kêu loa ong óng đòi Giải phóng quân ra đầu hàng! - "Giải phóng quân mắc đi đánh bót, chỉ có "Giải phóng quân con" ở nhà đây thôi! Con Giải phóng quân không biết đầu hàng! Chừng nào giết hết không còn thằng Mỹ và tay sai nào nữa thì Giải phóng quân sẽ về cùng nhân dân trồng rẫy, nuôi con". Con Bé vẫn nghe mẹ nói vậy. 

    Tối ngày nó cột khăn trên đầu, lúc ngủ quần cũng còn vo quá gối. Nó nấu cơm cho em ăn rồi cho tất cả lên võng ngồi đưa. Nó chạy tới trạm giao liên xin chạy thư hỏa tốc phụ với các cô. Buông việc ra là nó leo lên ngọn dừa trước nhà. Lên đó, nó nhìn thấy dinh quận, nhà máy, lằn sông, thấy những nơi ba má nó đánh giặc. Có máy bay ném bom xa, nó leo lên dòm hướng: Chà Mẹt, Phong Phú, Tân An, Xẻo Khế, Đường Cức, Trà On... bom nổ nơi nào, nó nói ngay nơi đó. Mấy bà mẹ bồng con đứng bên chợ, bên sông, tất cả đều nhóng lên ngọn dừa, chờ tin nó. Má đi vắng, nó bơi xuồng đến các cơ sở binh vận của má đem về hàng túi đạn. Mấy mẹ chiến sĩ mà nó vẫn kêu là bà nội, kêu nó ghé xuồng, cho gạo, cho thức ăn, cho bánh đem về cho em. Bao giờ nó cũng chừa phần cho má, có khi là một trái chuối đã chín rục.

    Thường quá nửa đêm, út mới về tới nhà. Con Bé bật dậy ra mở cửa. Trong mùng, bốn đứa nhỏ la nhi nhố "má về, má về", rồi thức dậy đều hết. út không kịp cởi bao đạn, ôm lấy con. Thằng Hiển nhỏ nhất, níu lấy cây cạc bin của mẹ, đòi ngoéo cò. Con Thanh, con kế con Bé, cởi bao đạn cho mẹ. Con Thơ, con Anh, em kế con Thanh, ôm lấy cổ mẹ. út phân phát bánh cho con. Những tấm bánh út đã nhịn sau khi đánh trận về, mấy mẹ cho du kích mỗi người một cái ăn lót dạ. Trong những tiếng ríu rít của đàn con, út nghe câu được câu mất. Chị vui như vừa đi xa về. Một niềm vui kỳ lạ, tưởng như việc sống chết vừa xảy ra hồi nãy đây là không có. Và nếu có, nó cũng chỉ còn như những tia chớp yếu ớt, rất xa, trong những đêm mưa mát dịu, không hề làm xao động tới cảnh đầm ấm của mẹ con trong nhà. Thực ra, lúc nằm phục kích, bao ý nghĩ út đều quay cả vào giặc. Súng nổ, chị quên hết, cả lỗ công sự cũng bỏ. Lúc rút lui trên đường về, chị mới giật mình nhớ đến con. Nếu mình hy sinh nó sẽ ở với ai đây? Nó ở với nhân dân! Bây giờ nó cũng đã ở với nhân dân rồi. Đời mình cực thì đời sau nó sướng. Giặc còn thì giặc cũng giết cả đời con mình. Nghĩ đến cảnh đàn con phải đi ở đợ như mình ngày xưa, út không chịu nổi - "Còn cái lai quần cũng đánh!" - Útt dạy con như vậy” (Tr. 65-67)

Dù rằng giờ đây chị Út Tịch - người mẹ cầm súng, người mẹ anh hùng với thật nhiều huyền thoại không còn nữa. Và giờ đây thế hệ con cháu chúng ta được sống và cất cao tiếng hát dưới bầu trời hòa bình. Tất cả những gì chúng ta có như vậy là cả một sự hy sinh thầm lặng và lớn lao của những người anh hùng như chị Út Tịch, chính vì vậy chúng ta phải biết trân trọng điều đó bằng cách học tập thật chăm chỉ để sau này góp một phần nhỏ bé của mình xây dựng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ bầu trời xanh của chúng ta. Cuốn sách hiện có trong thư viện trường THCS Đoan Bái, hy vọng rằng cuốn sách sẽ là tài liệu bổ ích giúp bạn đọc hiểu hơn về những công lao to lớn góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của những người Mẹ - Mẹ Việt nam anh hùng.

 

 

 


1. NGUYỄN THI
    Người mẹ cầm súng/ Nguyễn Thi.- H.: Kim Đồng, 2013.- 91tr.; 21cm.
     Sách nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường trung học cơ sở miền núi - vùng sâu - vùng xa
     Chỉ số phân loại: 895.92283403 NT.NM 2013
     Số ĐKCB: STN.00910, STN.00911, STN.00912, STN.00909,

Bài tuyên truyền, giới thiệu sách hôm nay đến đây là hết, em xin cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe! Hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong giờ giới thiệu sách lần sau.

                                                                  Giới thiệu: Tổ cộng tác viên thư viện